1. Bệnh nhân bị đái tháo đường thường hay gặp các nguy cơ nào?
Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) có đặc điểm là lượng đường trong máu tăng cao kéo dài, lâu ngày sẽ làm tổn thương nhiều tổ chức, cơ quan trong cơ thể.
Ngoài tổn thương ở các cơ quan như da, răng, miệng… thì một trong những tổn thương quan trọng nhất xảy ra ở hệ thống mạch máu, bao gồm ở mạch máu lớn và mạch máu nhỏ.
Tổn thương (hay còn gọi là biến chứng) tại mạch máu nhỏ bao gồm: Biến chứng ở đáy mắt còn gọi là bệnh võng mạc ĐTĐ; biến chứng ở thận còn gọi là bệnh thận ĐTĐ; biến chứng thần kinh còn gọi là bệnh thần kinh ĐTĐ.
Biến chứng mạch máu lớn chính là tình trạng xơ vữa động mạch với các hậu quả: tổn thương mạch máu não như thiếu máu não, chảy máu não, hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua hay còn gọi là đột quỵ; tổn thương động mạch nuôi tim (động mạch vành) như bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim, nhồi máu cơ tim…; tổn thương mạch máu ngoại vi như hẹp tắc động mạch chi dưới…
Các biến chứng về tim mạch hết sức nghiêm trọng có thể gây ra đau đớn, mất khả năng lao động hoặc nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
2. Những bệnh nhân đái tháo đường như thế nào dễ mắc bệnh tim mạch?
Người mắc bệnh đái tháo đường có kèm theo một số các yếu tố sau thì có nguy cơ mắc bệnh tim mạch nhiều hơn các người bệnh khác :
-
Quá cân hoặc béo phì
-
Tăng huyết áp
-
Có lượng Cholesterol máu cao
-
Hút thuốc lá
-
Có người trong gia đình mắc bệnh tim mạch.
Hơn 90% người bệnh đái tháo đường có một hoặc nhiều các yếu tố nguy cơ trên.
3. Cần làm gì để phòng tránh các nguy cơ tim mạch đó?
Cần đạt được các mục tiêu khi điều trị:
-
Đường máu và HbA1c < 7%
-
Kiểm soát để đạt huyết áp <140/90mmHg
-
Kiểm soát để đạt LDL cholesterol ( Cholesterol xấu) < 100 mg/dL (2,6 mmo/L) ở bệnh nhân chưa bị biến cố tim mạch và <70 mg/dL (1,8mmol/L) ở bệnh nhân đã bị biến cố tim mạch.
-
Cố gắng đạt được HDL cholesterol > 40 mg/dL(1mmol/L) ở nam hoặc >50 mg/dL(1,25mmol/L) ở nữ.
-
Kiểm soát để lượng Triglycerid < 150 mg/dL (1,68mmol/L)
-
Giảm cân nếu có thừa cân, béo phì.
-
Ngưng hút thuốc lá
Làm thế nào để đạt được mục tiêu đó:
-
Nên thăm khám bác sĩ định kì, tuân thủ điều trị, theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, theo dõi đường máu và huyết áp để điều chỉnh chế độ sinh hoạt cũng như điều chỉnh thuốc kịp thời.
-
Ăn uống điều độ: Ăn giảm muối. Ăn nhiều rau xanh. Chế độ ăn giảm tinh bột, giảm chất béo, giàu chất đạm, ưu tiên các món ăn từ thịt, gia cầm, hải sản, đậu, trứng, sản phẩm sữa ít chất béo, sản phẩm chế biến từ đậu nành, hạt… Ăn thực phẩm tươi sống trong mùa, thực phẩm chưa qua chế biến (không chứa chất phụ gia, hương vị nhân tạo, và các thành phần hóa học khác), lượng đường hoặc mật ong thấp, sử dụng mỡ thực vật, chẳng hạn như dầu ô liu, thay vì bơ…Ăn thực phẩm có tinh bột có thể làm cho nồng độ đường máu của bạn tăng, vì vậy điều quan trọng là phải biết lượng tinh bột mà bạn đang ăn.
-
Luyện tập thể lực đều đặn, thay đổi tùy theo sức khỏe của bệnh nhân, đơn giản nhất là đi nhanh, chạy bộ, tập thể dục nhịp điệu, đạp xe, bơi… ít nhất mỗi ngày nửa tiếng, hoặc chia ra nhiều lần trong ngày thí dụ đi bộ 10-15 phút sau 3 bữa ăn, giúp cải thiện hệ thống hô hấp và tim mạch. Có thể phối hợp các bài tập tăng cường sức mạnh của cơ như: chống đẩy, nâng tạ, đu xà…
-
Duy trì nếp sống điều độ như ăn đúng giờ, ngủ đủ giấc, tránh ngồi lâu một chỗ.
Trích nguần https://ngaydautien.vn/
Viết bình luận
Bình luận
Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.