Hạ huyết áp tư thế là tình trạng huyết áp sụt giảm đột ngột, xảy ra khi bạn ngồi dậy bước ra khỏi giường hoặc đứng lên khi đang ngồi trên ghế, gây ra các hiện tượng chóng mặt, choáng váng, mặt mũi tối sầm, thậm chí là ngất xỉu, mất ý thức tạm thời. Triệu chứng hạ huyết áp tư thế thường kéo dài trong vài giây đến vài phút, tuy nhiên, tình trạng huyết áp thấp kéo dài mạn tính, có thể dẫn tới một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như teo não, nhũn não, giảm trí nhớ, đột quỵ hoặc suy giảm chức năng tình dục bất kể bạn là nam hay nữ.
Dấu hiệu của hạ huyết áp tư thế:
Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất ở người bị hạ huyết áp là cảm giác chóng mặt
Dấu hiệu tụt huyết áp của căn bệnh này dễ nhận biết nhất là cảm giác chóng mặt, đầu óc quay cuồng mỗi khi đứng sau khi ngồi hoặc nằm. Tùy mỗi người khác nhau và giai đoạn của bệnh mà các dấu hiệu có thể không hoàn toàn tương đồng. Dẫu vậy, phần lớn bệnh nhân đều thừa nhận có một bài đặc điểm chung:
- Sau khi ngồi hoặc nằm lâu mà đứng lên sẽ thấy choáng nhẹ, mất cân bằng
- Mắt bỗng dưng mờ, nhòe và tối đi
- Tinh thần không được tỉnh táo, đầu hơi đau
- Người bị nặng hơn dễ thấy mệt mỏi như sắp kiệt sức
- Vã mồ hôi lạnh, da tái xanh nhợt nhạt
- Có cảm giác buồn nôn hoặc nôn ói
- Có những trường hợp thể lực kém cộng với bệnh ở giai đoạn nặng có thể ngất xỉu
- Một trường hợp đặc biệt khác bị hạ huyết áp tư thế sau khi ăn. Nguyên nhân là do tiêu thụ nhiều tinh bột, đường, rượu bia,… làm máu dồn về dạ dày nên không đủ để đưa lên não. Nhưng tình trạng này chỉ diễn ra từ 30 – 60 phút sau ăn, từ 90 phút trở đi sẽ tự khỏi.
Hạ huyết áp tư thế có thể gặp ở bất cứ ai nhưng thường xuất hiện hơn ở người lớn tuổi. Trong thực tế, đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên té ngã, gãy xương và chấn thương vùng đầu ở người già.
Nguyên nhân gây hạ huyết áp tư thế là gì?
Thông thường khi đứng lên, máu sẽ dồn xuống chân nhiều hơn làm giảm lưu lượng máu ở phần trên của cơ thể. Để bù đắp, các mạch máu ở chân sẽ co lại và tim đập nhanh hơn. Mặt khác, việc điều chỉnh huyết áp của cơ thể còn phụ thuộc vào các thụ thể cảm áp nằm bên trong lòng động mạch cảnh và động mạch chủ, thông qua kết nối thông tin giữa tim, não, thận sẽ kích thích tăng nhịp tim và giãn mạch để cân bằng huyết áp. Ở những người lớn tuổi, mạch máu có xu hướng bị xơ cứng và kém đàn hồi, các thụ thể cảm nhận huyết áp cũng giảm độ nhạy bén khiến quá trình điều chỉnh huyết áp diễn ra chậm chạp, gây hạ huyết áp tư thế, tình trạng này chiếm khoảng 20% số những người trên 65 tuổi. Huyết áp thấp tư thế cũng có thể gặp ở người trẻ tuổi nhưng ít thường xuyên.
Ngoài ra một số nguyên nhân khác có thể gây hạ huyết áp tư thế:
- Mất nước do sốt, nôn mửa, tiêu chảy nặng...
- Bệnh tim như suy tim, bệnh van tim, nhịp tim chậm, nhồi máu cơ tim…
- Bệnh nội tiết như suy tuyến giáp, suy thượng thận, hạ đường huyết trong bệnh tiểu đường.
- Rối loạn hệ thần kinh như bệnh Parkinson.
- Uống rượu hoặc sử dụng một số loại thuốc gây hạ huyết áp.
- Ngất vasovagal là một dạng đặc biệt của hạ huyết áp tư thế. Nó được gây ra bởi một phản xạ thoáng qua khi mạch máu ở chân đột ngột giãn ra, khiến huyết áp bất ngờ bị giảm ở phần trên của cơ thể. Hiện tượng này có thể được coi là một “lỗi” trong cơ chế điều hòa huyết áp của hệ thần kinh.
Chẩn đoán hạ huyết áp tư thế bằng cách nào?
Đo huyết áp để chuẩn đoán hạ huyết áp tư thế
Hoa mắt, chóng mặt, choáng váng khi đứng lên là triệu chứng đặc trưng nhất của hạ huyết áp tư thế. Do đó, nếu thường xuyên gặp phải tình trạng này thì bạn hãy tới các cơ sở y tế để được thăm khám kỹ lưỡng.
Các bác sĩ sẽ đo huyết áp của bạn khi nằm nghỉ, sau đó lặp lại cách đo này khi đứng lên trong khoảng 2 - 5 phút. Nếu huyết áp tâm thu (chỉ số trên) giảm 20mmHg hoặc huyết áp tâm trương (chỉ số dưới) giảm 10mmHg thì có thể chẩn đoán là bị chứng hạ huyết áp tư thế.
Cách khắc phục bệnh hạ huyết áp tư thế:
Vận động thường xuyên cũng là cách để giảm thiểu căn bệnh này
Tùy vào tình trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên để điều trị, khắc phục bệnh hiệu quả nhất.
Với những người mới bị hạ huyết áp tư thế ở dạng nhẹ thì chỉ cần chú ý hơn mỗi khi thay đổi tư thế. Ví dụ, nếu đang nằm thì từ từ ngồi dậy giữ nguyên như thế khoảng 30 giây tới 2 phút. Sau đó chậm rãi bỏ chân ra khỏi giường, rồi mới cẩn thận đứng thẳng lên. Nếu đang ngồi thì cũng đứng lên từ từ, tốt nhất nên chọn một điểm tựa để bám vào đề phòng trường hợp choáng dẫn tới vấp ngã tai nạn.
Với người bị nặng hơn, thời gian xây xẩm mặt mày lâu hơn thì cần phải sử dụng đến thuốc. Ví dụ fludrocortisone có tác dụng tăng số máu, tăng huyết áp; thuốc midodrine nhằm tăng huyết áp thường trực. Thuốc chống viêm không có steroid, caffein và epoetin đôi khi cũng được cân nhắc sử dụng như cách ổn định huyết áp.
Ngoài ra, người bệnh cần thay đổi thói quen sinh hoạt thì mới mong ngăn chặn bệnh hạ huyết áp tư thế tái phát. Nên bổ sung muối trong chế độ ăn theo liều lượng bác sĩ khuyên dùng. Uống nhiều nước hơn cũng là cách để tăng huyết áp.
Điều chỉnh lại thói quen ăn uống và sinh hoạt hàng ngày
- Nên ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường rau xanh, hoa quả tươi và thực phẩm bổ máu như thịt bò, thịt nạc, trứng gà, sữa, đậu, bí đỏ…; tránh các đồ uống hay thức ăn nóng. Có thể tăng lượng muối ăn nhưng không nên quá mặn và không áp dụng với người mắc bệnh tim, thận.
- Không nên ăn quá no mà tốt nhất là nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, thay vì 3 bữa như bình thường bạn có thể ăn 6 - 7 bữa nhỏ. Sau mỗi bữa ăn cũng nên dành ít nhất 30 phút để nghỉ ngơi.
- Uống nhiều nước hơn, các chuyên gia khuyến cáo người bệnh huyết áp thấp tư thế nên uống ít nhất 8 cốc nước (200ml/cốc) một ngày, không kể nước canh trong các bữa ăn. Tránh uống rượu bia, đồ uống có cồn hoặc hút thuốc lá.
- Không nên đứng lên, ngồi xuống đột ngột mà cần thay đổi tư thế từ từ, vận động chân lên xuống một vài lần trước khi đứng dậy.
- Không nên ngồi yên tại một tư thế quá lâu, chẳng hạn như ngồi làm việc máy vi tính, xem phim... Trước khi đứng dậy, hãy cử động chân nhẹ nhàng và uống 1 ly nước lạnh khoảng 300 - 400ml để tăng khối lượng máu, tránh bị tụt huyết áp khi đứng lên.
- Tập thể dục đều đặn mỗi ngày trong ít nhất trong khoảng từ 30 phút tới 1 giờ.
- Nói chuyện với bác sĩ để kiểm tra xem liệu hạ huyết áp có phải do tác dụng phụ của thuốc không, nếu có thì có thể đổi thuốc hoặc điều chỉnh liều lượng phù hợp hơn.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.
Viết bình luận
Bình luận
Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.